Trong thời đại 4.0 hiện nay, những nghề nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin đều được đánh giá có tiềm năng phát triển rất lớn. Nếu bạn đang tìm kiếm một lĩnh vực có thể mang lại nhiều thách thức, trách nhiệm và cơ hội thì hệ thống thông tin là một lựa chọn tuyệt vời. Bài viết này sẽ giải thích hệ thống thông tin là gì và cơ hội cho các bạn trẻ tốt nghiệp chuyên ngành này.
Hệ thống thông tin là gì?
Hệ thống thông tin, hay còn gọi là Information Systems (IS), là sự kết hợp của các phần cứng và phần mềm, sự tương tác giữa các quy trình và con người với mục đích nắm bắt, lưu trữ, xử lý, thao tác, phân tích và hiển thị dữ liệu. Các tổ chức dựa vào hệ thống thông tin để thực hiện và quản lý hoạt động, tương tác với đối tác và hỗ trợ khách hàng của họ.
Ngành hệ thống thông tin với chương trình đào tạo giúp sinh viên biết cách xây dựng, quản trị và triển khai hệ thống thông tin, lập trình máy tính và ứng dụng phần mềm. Sinh viên sẽ được nghiên cứu các kiến thức cơ bản về kinh doanh như marketing, tài chính và kinh tế. Bên cạnh đó, chuyên ngành này còn đào tạo sinh viên biết ứng dụng công nghệ máy tính vào các chức năng, nhu cầu của doanh nghiệp, phân tích thị trường…
Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin
Các bạn tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin thường sẽ làm những vị trí có vai trò hỗ trợ, tăng giá trị cho doanh nghiệp bằng cách sử dụng công nghệ thông tin. Sau đây là một số công việc cụ thể:
Data Analyst: Nhà phân tích dữ liệu
Một nhà phân tích dữ liệu có nhiệm vụ tổ chức và giải thích dữ liệu để những người khác có thể hiểu chúng một cách dễ dàng hơn. Họ thường xuyên thu thập dữ liệu thông qua các bài kiểm tra thống kê và sau đó chuyển thông tin thành báo cáo. Các doanh nghiệp thường dựa vào những dữ liệu được diễn giải này khi tìm kiếm xu hướng thị trường và đưa ra các quyết định kinh doanh quan trọng.
Computer Systems Analyst: Nhà phân tích hệ thống máy tính
Bên cạnh công việc phân tích hệ thống máy tính, Computer Systems Analyst còn phải khiến chúng hoạt động một cách hiệu quả hơn. Nhiệm vụ của họ bao gồm việc cung cấp cho tổ chức những đề xuất liên quan đến quy trình và bộ phận về công nghệ thông tin.
Business Analyst: Nhà phân tích nghiệp vụ
Chuyên gia phân tích nghiệp vụ là người trao đổi với người dùng hệ thống để hiểu và tìm ra các nhu cầu của họ. Bước tiếp theo, BA sẽ gửi tài liệu được viết dựa trên những thông tin đó cho đội ngũ lập trình viên để xây dựng phần mềm. Đây là một trong những công việc được nhiều bạn trẻ theo đuổi hiện nay.
Web Developer: Lập trình viên Website
Các lập trình viên Website có khả năng tạo ra các trang web bằng cách viết code và thiết kế giao diện của trang web. Nhiệm vụ này thường bao gồm việc thu thập và đánh giá phản hồi của người dùng để các lập trình viên có thể khắc phục các lỗi và cải thiện trải nghiệm người dùng (UX).
Software Engineer: Kỹ sư phần mềm
Với vai trò là một kỹ sư phần mềm, bạn sẽ có nhiệm vụ phát triển phần mềm và hệ thống tổ chức như hệ điều hành, hệ thống kiểm soát truy cập mạng, các ứng dụng… Kỹ sư phần mềm sẽ làm việc với người dùng để xác định nhu cầu, từ đó thiết kế, phát triển và thử nghiệm một ứng dụng hoặc hệ thống phù hợp.
Database Administrator (DBA): Quản trị cơ sở dữ liệu
Quản trị cơ sở dữ liệu là người chịu trách nhiệm quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu phần mềm của tổ chức, chẳng hạn như tài khoản người dùng, hồ sơ khách hàng hay các khảo sát thống kê. Để ngăn chặn khả năng mất dữ liệu khi hệ thống bị lỗi, DBA sẽ quản lý và đưa ra các giải pháp sao lưu. Họ cũng có nhiệm vụ giám sát, khắc phục sự cố và tối ưu hóa hệ thống cơ sở dữ liệu để đảm chúng hoạt động hiệu quả nhất.
Các vấn đề tiềm ẩn
Cũng giống như những ngành nghề khác, hệ thống thông tin cũng có những thách thức hay vấn đề tìm ẩn mà các bạn phải đối mặt khi làm việc. Một hệ thống không hiệu quả, không phù hợp và không đáng tin cậy sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng và kết quả công việc của các thành viên. Cụ thể, người hệ thống thông tin sẽ có thể gặp các vấn đề sau trong quá trình làm việc:
- Thông tin bị trùng lặp và không nhất quán.
- Gặp khó khăn trong việc theo dõi lịch sử dịch vụ của một khách hàng hay người dùng do nhiều hệ thống không tương thích.
- Gặp khó khăn trong việc theo dõi mục tiêu tài chính, khối lượng công việc và danh sách chờ.
Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn hiểu hơn về hệ thống thông tin là gì và những thách thức, cơ hội nghề nghiệp đối với những bạn trẻ theo đuổi con đường sự nghiệp gắn liền với hệ thống thông tin.