VJ là nghề gì? Công việc và những tố chất cần có của một VJ

Đối với các bạn có tính cách hoạt ngôn, khả năng trò chuyện duyên dáng thì VJ là một nghề vô cùng thích hợp. Hiện nay, VJ cũng được thế hệ trẻ yêu thích nhờ vào sự phát triển vượt bậc của công nghệ và mạng xã hội. Vậy VJ là nghề gì và công việc của họ như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

VJ là nghề gì?

VJ viết tắt của Video Jockey, là người dẫn chương trình liên quan đến âm nhạc trên truyền hình, tại đây họ sẽ thông báo cho người xem về các sản phẩm video âm nhạc mới nhất. Trong khi sự cạnh tranh giữa các bảng xếp hạng âm nhạc tăng cao, các nhà tổ chức có xu hướng lồng ghép thêm đa dạng các chương trình giải trí khác để thu hút công chúng hơn, chẳng hạn như thực hiện phỏng vấn người nổi tiếng, tương tác với khán giả…Theo một cách đơn giản hơn, VJ đóng vai trò như một chiếc cầu nối giữa khán giả và nghệ sĩ cùng với các sản phẩm âm nhạc của họ.

Công việc của VJ gồm những gì?

Dẫn chương trình

Dẫn chương là công việc chính của một Video Jockey. Những chương trình này thường liên quan đến âm nhạc, nhưng với sự phát triển không ngừng của ngành giải trí trên truyền hình, hiện nay các chương trình có xu hướng lồng ghép thêm các hạng mục khác như phỏng vấn người nổi tiếng, chia sẻ các câu chuyện hậu trường, thực hiện yêu cầu của người hâm mộ… để giúp chương trình âm nhạc thêm phần thu hút.

Lên chủ đề cho chương trình

Những VJ có tuổi nghề lâu năm, sở hữu độ nổi tiếng nhất định có thể tham gia quyết định và thiết kế chủ đề cho chương trình. Điều này giúp cho phong cách đặc trưng riêng của họ được duy trì và phát triển. Chính vì thế, đối với nhiều VJ, chủ đề chính là một trong những chìa khóa tạo nên sự thành công của chương trình và bản thân.

Lên kịch bản

Trước khi quay, VJ được thông báo đầy đủ về nội dung của chương trình, những gì cần nói. VJ am hiểu, đánh giá thị hiếu của khán giả để xây dựng và sửa đổi kịch bản, xác định những gì nên làm và không nên làm trong chương trình của mình.

Tương tác với người xem

Cho dù là chương trình có khách mời là người nổi tiếng, khán giả qua điện thoại hay thậm chí là không có người xem trực tiếp thì VJ luôn phải giao tiếp một cách tự nhiên và nhiệt tình để thu hút sự chú ý của khán giả. Thành công của một chương trình phù thuộc rất nhiều vào cách thể hiện, tương tác của một VJ với khán giả.

Cập nhật xu hướng

Ban tổ chức và VJ luôn phải liên tục cập nhật những sản phẩm âm nhạc mới hay xu hướng giải trí đang được ưa chuộng hiện tại và trong tương lai. Có như thế chương trình mới có thể giữ chân người xem và thu hút thêm nhiều khán giả mới, đồng thời tạo sự đa dạng cho nội dung chương trình.

Xác định những ý tưởng phù hợp

Cập nhật các xu hướng là một việc, sau đó VJ phải biết biến chúng thành các ý tưởng phù hợp với chương trình và đối tượng khán giả của mình. Kinh doanh sản xuất chương trình truyền hình luôn mang tính cạnh tranh cao và liên tục thay đổi, phát triển, chính vì thế VJ cũng phải không ngừng đổi mới và thử nghiệm những điều mới mẻ để tìm thấy những ý tưởng hay ho, phù hợp.

Các tố chất để trở thành VJ chuyên nghiệp

Có tính giải trí

VJ phải là người giải trí thông minh có khiếu hài hước và duyên dáng. VJ là ngôi sao của chương trình, chính vì thế mọi tâm điểm luôn đổ dồn vào họ. Ban tổ chức chương trình luôn lựa chọn một VJ có giá trị giải trí tốt và bền vững.

Kỹ năng giao tiếp tuyệt vời

Một trong những tố chất quan trọng nhất ở một VJ đó là khả năng giao tiếp. Công việc này luôn đòi hỏi VJ phải liên tục tương tác với mọi người có tính cách khác nhau, họ có thể là người nghệ sĩ, người hâm mộ hay thậm chí là khán giả ngẫu nhiên nào đó. Kỹ năng này giúp VJ có thể tạo sự thoải mái khi giao tiếp với người lạ, giúp họ cởi mở hơn trước camera.

Kiến thức về âm nhạc, lĩnh vực giải trí

Âm nhạc là cốt lõi của chương trình. Vì thế sở hữu kiến thức sâu rộng, là chuyên gia về âm nhạc, phim ảnh, hoạt động giải trí sẽ là một điểm mạnh giúp VJ có thể tự tin trao đổi với mọi người, đặt ra những câu hỏi hay và thông minh khi phỏng vấn nghệ sĩ.

Thông thạo ngôn ngữ

Ngôn ngữ là chìa khóa dẫn đến thành công của nhiều ngành nghề và VJ cũng không ngoại lệ. Biết thêm ngoại ngữ mở ra cho VJ nhiều cơ hội trong con đường sự nghiệp. Tuy nhiên, khả năng thông thạo bản ngữ cũng là một điều rất quan trọng. VJ nên biết cách linh hoạt sử dụng từ ngữ phù hợp với hoàn cảnh.

Khả năng nói chuyện trước đám đông

Tố chất này giúp cho VJ cảm thấy thoải mái khi dẫn chương trình trước camera hoặc trước sự chứng kiến của khán giả xem trực tiếp. Cho dù bạn là người có khả năng giao tiếp tuyệt vời nhưng nếu gặp sự căng thẳng trước đám đông có thể ảnh hưởng đến phong thái và ngôn ngữ cơ thể.

Hy vọng bài viết sau giúp bạn hiểu hơn về VJ là nghề gì và công việc, tố chất cần có của một VJ. Nếu bạn là người có tiềm năng và đam mê với việc dẫn chương trình thì hãy tự tin theo đuổi vị trí này nhé.