Tham vấn là gì? Tìm hiểu công việc của người tham vấn

Hiện nay, những người đang gặp khó khăn về mặt tâm lý, sức khỏe tinh thần thường sẽ tìm đến một người tham vấn để giúp họ vượt qua những khó khăn ấy và cải thiện hơn về mặt tâm lý. Vậy tham vấn là gì? Công việc của họ gồm những gì và cần có những kỹ năng, tố chất nào để trở thành người tham vấn? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Tham vấn là gì?

Tham vấn là một hình thức của trị liệu bằng lời nói. Đây là quá trình mà một cá nhân, cặp vợ chồng hoặc gia đình gặp gỡ một cố vấn có chuyên môn được đào tạo để trao đổi về các vấn đề, những khó khăn mà họ phải đối mặt trong cuộc sống.

Một người tham vấn chuyên nghiệp được thể hiện bằng việc giữ kín bí mật và không phán xét. Thân chủ sẽ có cơ hội chia sẻ suy nghĩ của mình, được lắng nghe và có được những quan điểm mới, nhìn nhận về tình hình, vấn đề của họ. Người tham vấn sẽ giúp họ xác định cách để cải thiện cuộc sống và đạt được mục tiêu mong muốn cho việc tham vấn.

Các nhà tham vấn có thể chuyên về các lĩnh vực khác nhau như sức khỏe tâm thần, vấn đề học đường hay sự ám ảnh một thứ gì đó. Nhưng cho dù thuộc lĩnh vực nào thì họ phải xây dựng lòng tin với khách hàng và tạo một không gian an toàn để cùng thảo luận về các vấn đề của khách hàng.

Nhiệm vụ của người tham vấn

Một người tham vấn thường có nhiều trách nhiệm để hoàn thành công việc của mình, cụ thể như:

  • Cung cấp thông tin về điều kiện sức khỏe tinh thần, các lựa chọn về phương pháp điều trị hoặc các thông tin giúp thân chủ đưa ra quyết định đúng đắn về việc chăm sóc họ.
  • Đánh giá nhu cầu khách hàng và phát triển các kế hoạch điều trị phù hợp với tình huống của từng khách hàng.
  • Thực hiện các buổi tư vấn giúp khách hàng xác định mức độ phù hợp với việc điều trị hoặc giới thiệu họ đến các chuyên gia tâm lý khác nếu cần.
  • Tham vấn trực tiếp các vấn đề như hôn nhân, quản lý căng thẳng, lo âu, trầm cảm, vấn đề gia đình…
  • Giúp thân chủ xác định các định kiến trong suy nghĩ và hành vi của họ để góp phần giải quyết các vấn đề họ đang gặp phải.
  • Thực hiện các buổi trị liệu theo nhóm đề cập đến các chủ đề như kỹ năng làm cha mẹ, quản lý cơn giận dữ, căng thẳng hay tham vấn về nỗi đau buồn.
  • Đánh giá khách hàng có đủ điện kiện thực hiện các dịch vụ xã hội như các trường hợp nuôi con hay nhận trợ cấp khuyết tật.

Những kỹ năng, tố chất để trở thành người tham vấn chuyên nghiệp

Biết cách lắng nghe một cách tích cực

Một trong những yêu cầu cơ bản nhất cần có ở người tham vấn đó chính là biết cách lắng nghe. Đây là khả năng tập trung vào người nói và xác định nhu cầu của họ. Là một người tham vấn, vị trí của bạn là người lắng nghe thân chủ bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của họ. Để nắm bắt được ý muốn của thân chủ và hỗ trợ họ một cách tốt nhất, người tham vấn phải biết cách lắng nghe một cách tích cực đồng thời quan sát hành vi của họ.

Kỹ năng giao tiếp tuyệt vời

Người tham vấn sẽ cần sử dụng khả năng giao tiếp để tương tác với thân chủ, thấu hiểu mối quan tâm của họ và cung cấp những thông tin mà họ cần. Bên cạnh đó, người tham vấn cũng phải biết cách truyền tải thông tin qua lời nói một cách khéo léo, mạch lạc để thân chủ có thể hiểu các lựa chọn điều trị và được khuyến khích hành động. Giao tiếp hiệu quả cũng rất quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng và giúp họ cảm thấy cởi mở hơn khi nói ra các vấn đề cá nhân.

Lòng trắc ẩn, cảm thông

Một người tham vấn chuyên nghiệp phải có khả năng lan tỏa sự ấm áp và thấu hiểu, cũng như một sự an toàn về mặt tinh thần dành cho khách hàng của mình. Khi ấy, khách hàng mới cảm giác tin tưởng và cởi mở hơn trong việc chia sẻ những vấn đề của họ một cách trung thực nhất.

Thái độ không phán xét

Mọi người luôn cảm thấy không thoải mái khi phải nói ra những khó khăn hay các vấn đề nhạy cảm vì họ sợ bị người khác phán xét. Chính vì thế, giữ thái độ không phán xét hay chỉ trích là một điều rất quan trọng thể hiện sự chuyên nghiệp của người tham vấn. Đưa ra những phản hồi và sự chỉ dẫn một cách trung thực là điều mà người tham vấn nên làm.

Khả năng giải quyết vấn đề

Người ta tìm đến người tham vấn bởi họ có những khó khăn không biết cách vượt qua và cần người trợ giúp. Vì thế, đây là một kỹ năng cực kỳ quan trọng. Sau khi nghe thân chủ chia sẻ, kỹ năng giải quyết vấn đề cho phép người tham vấn xác định những thách thức và tìm ra giải pháp để vượt qua chúng.

Hy vọng bài viết trên giúp bạn hiểu rõ hơn về tham vấn là gì, nhiệm vụ và kỹ năng cần có ở người tham vấn.